» » Indonesia phải ứng xử với TQ ra sao nếu muốn lãnh đạo ASEAN?

Với mong muốn trở thành nước lãnh đạo ASEAN, Indonesia sẽ phải ứng xử với Trung Quốc ra sao khi quan hệ ASEAN với nước này ngày càng căng thẳng ở Biển Đông.

Mới đây trên trang Jakarta Post đăng một bài viết tựa đề: "Tổng thống tương lai Indonesia sẽ xử lý chiến tranh lạnh ở châu Á thế nào?". Tác giả bài viết là Rachmatika - người đã tốt nghiệp chuyên ngành nghiên cứu châu Á của ĐH Chukalongkorn Thái Lan và ngành nghiên cứu quốc tế của ĐH Seoul Hàn Quốc. Bài viết đi sâu phân tích về các bối cảnh khu vực và bước đi cần thiết của Indonesia nếu nước này muốn lãnh đạo khối ASEAN. Sau đây là nội dung bài viết chúng tôi lược dịch:

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998, khu vực Đông Á đã và đang trải qua sự thay đổi về kinh tế, xã hội và chính trị.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc tế Stockholm (SIPRI) trong năm 2011 chỉ ra rằng: Từ năm 2001 đến năm 2010, chi tiêu quân sự chung ở Đông Á ( bao gồm cả vùng Đông Bắc và Đông Nam Á) đã tăng 69%, trong đó chỉ tính riêng Trung Quốc đã tăng vọt 189%.

Tình hình căng thẳng trong khu vực leo thang, nếu không có biện pháp phòng ngừa, sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Hơn thế nữa, những mối đe dọa đối với an ninh Đông Á đang tạo ra nguy cơ xảy ra "chiến tranh lạnh" giữa Mỹ và Trung Quốc.

Việc tranh chấp lãnh thổ trong vùng biển giàu tài nguyên làm các quốc gia phải cân nhắc lợi ích riêng của mình và chọn khối mang lại lợi ích lớn hơn.

ASEAN không thấy sự hòa bình ở các nước Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, vì đó là các bên tranh chấp trực tiếp về chủ quyền các vùng biển. Kể cả những nước lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hầu như không có cách ứng xử hòa bình do liên minh chặt chẽ với khối Mỹ.

Hồng Kông và Singapore có thể đóng góp hòa bình nhưng cả hai đều quan tâm rất ít đến vùng biển. Tiếp theo, Thái Lan hiện cũng đang bận rộn ổn định lại trật tự đất nước sau cuộc đảo chính quân sự gần đây.

Tất cả những lý do trên khiến Indonesia là ứng cử viên thích hợp để phục vụ cho vai trò ủng hộ hòa bình trong khu vực. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống Prabowo Subianto và Joko "Jokowi" Widodo vào ngày 22/6 vừa qua cho thấy hai ứng cử viên này dường như vẫn chưa xác định rõ ràng vai trò của Indonesia trong căng thẳng Biển Đông. 


Ngoại trưởng các nước ASEAN tại phiên họp ở Hua Hin, Thái Lan. Ảnh: AFP.

Trên thực tế, bên cạnh danh tiếng là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nền dân chủ lớn đứng thứ ba thế giới và có mối quan hệ tương đối cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc, Indonesia còn có lợi ích trực tiếp trong việc ngăn chặn căng thẳng leo thang ở Biển Đông.

Đối với việc Trung Quốc thực hiện Khu Xác định Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, dù Indonesia có muốn hay không, thì cũng sẽ liên quan đến. Tháng hai năm ngoái, Ngoại trưởng Marty Natalegawa nói rằng "Jakarta chắc chắn sẽ không chấp nhận quyết định của Bắc Kinh trong việc thực hiện ADIZ trên các vùng biển".

Câu hỏi đặt ra bây giờ là Indonesia nên làm gì để hoàn thành nhiệm vụ của mình? Là một lãnh đạo của khối ASEAN, Indonesia nên củng cố và tăng cường sức mạnh của mình trong khu vực. Tuy nhiên, Indonesia lại thường hành động một cách thụ động và muốn tránh tranh cãi. Cách tiếp cận này làm cho hoạt động của ASEAN có vẻ như thiếu sự lãnh đạo ổn định cần thiết để giải quyết những thách thức.

Nếu thực sự muốn lãnh đạo ASEAN, Indonesia cần phải tham gia trò chơi và lấp đầy khoảng trống lãnh đạo trong việc tổ chức. Đây thực sự là thử thách đầu tiên cho tổng thống kế tiếp của nước này, những người cần ý chí chính trị mạnh mẽ và kỹ năng thuyết phục, đồng thời vẫn duy trì học thuyết chính sách đối ngoại độc lập. Hy vọng rằng vị Tổng thống tương lai sẽ nhận ra tầm quan trọng của Indonesia và các nước ASEAN trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở Đông Á.
( Theo nguoiduatin.vn )

Giới Thiệu Unknown

Xin Chào tôi là một freelancer blogger. Hãy xem trang của tôi nhé và nhớ bấm like giúp mình nếu thấy bài viết có ích nhé. Mercy !

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply